HOA SEN THÁP MƯỜI

TP - 12 năm liền nhạc sĩ Trương Quang Lục xa quê, trăn trở viết về miền Nam, ngày đêm nghĩ về miền Nam, nghiên cứu dân ca miền Nam. Năm 1968, nhạc sĩ đã viết ca khúc: “Hoa sen Tháp Mười” ca ngợi Bác, để nói về tình cảm người dân miền Nam với Bác.

Con nhà đại quanđi theo cách mạng

Thăm gia đình nhạc sĩ Trương Quang Lục, tôi thấy trên bàn thờ có những hình ảnh các vị quan triều Nguyễn đội mũ cánh chuồn. Người nhạc sĩ năm nay 86 tuổi nói: “Ảnh thờ là ông cố tôi, ông nội tôi, cả hai đều làm quan”. Ông cố của nhạc sĩ là Trương Đăng Quế, danh thần trải bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông văn võ song toàn, chỉ huy quân đội chống giặc Pháp. Nhạc sĩ Trương Quang Lục nói: “Tôi tự hào khi tên cố tôi được đặt tên đường tại TPHCM. Bản thân tôi, rất thích âm nhạc, 12 tuổi đã sinh hoạt văn nghệ và hát những bài ca ngợi Bác Hồ, cả đời đi theo cách mạng”.

Bạn đang xem: Hoa sen tháp mười


*
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bố nhạc sĩ Trương Quang Lục làm nghề thầu khoán thời Pháp thuộc. Nhạc sĩ nhớ lại: “Thời Pháp, học phổ thông tôi đã sáng tác rồi. Những bản nhạc ấy chẳng ai hát, đăng báo tường thôi! Đầu năm cấp 3 tôi viết bài “Hoa xuân đất nước” bây giờ vẫn còn có người hát. Học nhạc phần lớn là tôi tự học. Tôi đọc sách bằng tiếng Pháp. Lúc ấy, tôi có bộ sách Pháp viết về hòa âm, khúc thức, phối khí”.

Không khí cách mạng sục sôi và sinh trưởng trong môi trường trí thức, nhạc sĩ Trương Quang Lục cùng các bạn ông, nhất là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thường trao đổi tài liệu, cùng nhau bàn luận sáng tác. Học xong phổ thông, chàng trai trẻ được cử làm cán bộ văn hóa văn nghệ của thanh niên xung phong của liên khu V. Nhạc sĩ viết nhiều ca khúc được in ấn phổ biến tại đây.

Năm 1954, ông theo đoàn quân ra Bắc tập kết tại Nghệ An rồi ra Hà Nội. Một người bạn nói với ông: “Không thể chỉ sống bằng sáng tác, hãy kiếm thêm một nghề khác”, vậy là ông theo Đại học Bách khoa, tốt nghiệp kỹ sư hóa, làm việc tại Nhà máy trên Lâm Thao. Nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng là một trong những người sáng lập Hội nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Nội. Ông chỉ cho tôi tấm ảnh chụp những người đầu tiên sáng lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, bùi ngùi: “Tại TPHCM, những người sáng lập Hội nhạc sĩ chỉ còn sống hai người thôi, là tôi và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý”.

“Vàm Cỏ Ðông”giữa miền Bắc

Khác với các nhạc sĩ bạn bè theo đuổi công việc sáng tác ở hội văn học nghệ thuật, nhạc sĩ Trương Quang Lục làm việc tại nhà máy hóa chất. “Ngày tôi làm việc, công việc chính là đào tạo công nhân, nâng bậc cho họ để cải thiện sản phẩm và tăng lương cho anh em. Buổi tối về nhà sáng tác nhạc. Thứ Bảy, Chủ nhật dành cho âm nhạc. Cuộc sống cứ như thế cho đến sau năm 1975, khi tôi vào Nam”.


*
Nhạc sĩ Trương Quang Lục với bài nhạc “Hoa sen Tháp Mười”. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Năm 1966, một hôm, nhạc sĩ - kỹ sư hóa chất đọc thấy bài thơ “Vàm Cỏ Đông” của nhà thơ Hoài Vũ trên báo Văn Nghệ. Đọc thấy hay, đêm lại nghe đài ngâm thơ bài ấy lần nữa, lòng xốn xang. Ông phổ nhạc rất nhanh, chỉ khoảng một giờ đồng hồ. Bản thảo viết tay bài hát “Vàm Cỏ Đông” vẫn được nhạc sĩ giữ. Những trang đầu bản thảo còn gạch xóa, những trang sau viết rất trôi chảy.

“Tôi trăn trở viết về miền Nam mười mấy năm. Rảnh lúc nào, tôi nghiên cứu dân ca miền Nam. Lúc viết, tôi nhớ lời ông Nguyễn Xuân Khoát: “Đưa một làn điệu dân ca vào ca khúc, chúng ta không nên để nguyên xi, phải biến hóa, như biến phấn hoa thành mật ong vậy. Tôi viết bài Vàm Cỏ Đông mà không sao chép dân ca, nghe man mác câu hò điệu lý mà không liên quan đến bài dân ca cụ thể nào” - nhạc sĩ tiết lộ.

Từ nhà máy hóa chất, ông gửi bài hát cho đài phát thanh và được dàn dựng, thu âm, phát ngay lên sóng. Tác giả nhận được rất nhiều thư từ thính giả khắp nơi gửi về nhà máy, cả những lá thư từ chiến trường. Bài hát rất được cán bộ chiến sĩ miền Nam yêu quý.

Từ sau giải phóng đến nay, bài hát Vàm Cỏ Đông đã được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài phát thanh truyền hình tỉnh Long An.

Hai lần gặp Bác Hồ

Nhạc sĩ Trương Quang Lục tâm sự: “12 tuổi, tôi lần đầu tiên nghe tên Bác Hồ và cùng đội văn nghệ hát những bài hát về Bác Hồ cho mọi người nghe. Tại khu V, tôi chỉ nhìn thấy ảnh Bác thôi. Tôi luôn nghĩ Bác là vị lãnh tụ tối cao và tin tưởng Bác, tin tưởng vào sự chiến thắng của cách mạng”.


*
Photo: ..

Khi còn ở Khu V, tác giả trẻ đã viết ca khúc dựa trên ý thơ của Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” - bài hát được in phát hành rộng rãi.

Ra Bắc tập kết, chàng trai Trương Quang Lục được gặp Bác. Nhạc sĩ kể: “Bác Hồ tới thăm sinh viên 5 trường đại học. Bác đi cùng Tổng thống Indonesia. Tổng thống Indonesia nói bằng tiếng Anh. Bác Hồ giúp người phiên dịch để dịch đúng những điều Tổng thống Indonesia nói làm chúng tôi vô cùng khâm phục. Chúng tôi đều biết bác giỏi ngoại ngữ, nhưng lần đầu tiên chứng kiến Bác giỏi ngoại ngữ như thế nào!”.

Lần thứ hai nhạc sĩ gặp Bác đó là khi Người lên thăm Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nơi nhạc sĩ đang làm việc.

“Lần này được gặp, Bác nói chuyện cùng anh em công nhân, tôi cảm giác như nghe ông nội ông ngoại nói chuyện với các cháu của mình vậy. Không có sự cách biệt giữa lãnh tụ người dân. Hình ảnh Bác đậm mãi trong tôi” - nhạc sĩ hồi tưởng.


“Hoa sen Tháp Mười”

Sống ở miền Bắc hàng chục năm, đã gặp Bác mà nhạc sĩ vẫn chưa biết viết thế nào về Bác. Lòng trăn trở, tìm ý tứ, tài liệu, các bài dân ca, báo chí, phát thanh.

“Viết bài hát về Bác là tâm nguyện từ lâu của tôi - Nhạc sĩ Trương Quang Lục chia sẻ - Nhưng tôi thường e ngại mình không viết hay bằng các anh đi trước, nên không dám viết. Được gặp Bác tại nhà máy của mình, tôi như được tiếp thêm quyết tâm để viết về Bác. Tôi bắt tay vào viết tác phẩm trong hai năm trời”.

Như một tác phẩm để đời và cầu kỳ, tác giả không chỉ viết phần ca khúc mà còn viết luôn phần nhạc đệm: “Ngoài phần ca khúc, tôi viết tổng phổ phối khí cho cả dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc hiện đại cùng thể hiện tác phẩm Hoa sen Tháp Mười của tôi. Tôi được Đài mời xuống để xem việc thu âm. Tôi thấy mọi người trình diễn tác phẩm không sai một nốt nhạc so với phần nhạc tôi viết ra”.

Giọt nước mắt trong phòng thu âm

Bài hát “Hoa sen Tháp Mười” được phát triển từ câu thơ Bảo Định Giang: “Tháp Mười đẹp bông sen/Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”.

Xem thêm: Những Đồ Ăn Vặt Ngon, Bổ, Rẻ, Dễ Làm, 68 Món Ăn Vặt Ngon Ý Tưởng Trong 2021

Nhạc sĩ Trương Quang Lục nói: “Tôi thấy những câu thơ của Bảo Định Giang rất hay, tôi muốn đưa câu thơ trọn vẹn vào âm nhạc. Tôi cũng kết hợp với những câu thơ của Tố Hữu “Dù ai rào giậu ngăn sân/Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!” cùng những câu dân ca miền Nam mà tôi sưu tầm được”.

Nhớ lại kỷ niệm của những năm tháng sáng tác về Bác, nhạc sĩ Trương Quang Lục kể: “Tôi viết bài Hoa sen Tháp Mười năm 1968. Bài hát được phát nhiều lần trên đài phát thanh, nhưng không biết Bác Hồ có nghe không? Năm 1969, Bác mất, Đài tiếng nói Việt Nam quyết định thu lại bài hát một lần nữa. Hôm thu âm lại, chị em hát đều ôm nhau khóc”.

Về mà không gặp mẹ

Sau năm 1975, nhạc sĩ chuyển vào TPHCM, sống ở ngôi nhà của gia đình mình tại quận 3, nơi thờ ông cố Trương Đăng Quế.

Mẹ của nhạc sĩ là người Huế, từng mang nhạc sĩ ra Huế học cho tới ngày toàn quốc kháng chiến. Trước năm 1975, gia đình thường nghe lén đài cách mạng.

Một lần nghe bài “Vàm Cỏ Đông” sáng tác của Trương Quang Lục, chị gái nói thầm với mẹ: “Em Lục chưa chết! Em vẫn còn sống! Em mới sáng tác bài hát tên là Vàm Cỏ Đông hay lắm mạ ơi!”. Mẹ nhạc sĩ mừng quá chỉ biết nói: “Rứa à!”.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục bùi ngùi: “Mẹ tôi mất năm 1974. Tôi đã mơ ước sẽ gặp mẹ tôi khi trở về nhà, nhưng điều đó không xảy ra” - nhạc sĩ chăm chút bàn thờ tổ tiên mỗi ngày.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn nhớ về những ngày tháng tập kết, Mới đây, ông gửi ra Hà Nội một bài hát viết cho thiếu nhi và được Thành Đoàn chọn làm ca khúc phổ biến trong sinh hoạt văn nghệ dịp hè.

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, nhạc sĩ vừa hoàn thành bài hát: “Lời Bác niềm tin và sức mạnh”. Nhạc sĩ bảo tôi: “Bây giờ phương tiện hiện đại, sáng tác xong là thu âm, gửi đến để tập cho mọi người hát”.

Bài hát mới của nhạc sĩ cũng mở đầu với những giai điệu sâu lắng và kết thúc bằng âm hưởng hành khúc. Người nhạc sĩ lão thành nói: “Có nhiều người thường hỏi tôi, sao lâu lâu không thấy ca khúc mới viết về Bác Hồ? Nhiều bạn trẻ, nhiều nơi hỏi xin tôi ca khúc mới viết về Bác. Thế là tôi lại suy cách làm sao để có những ca khúc mang âm hưởng và nhịp điệu của cuộc sống hôm nay. Viết về Bác mà phù hợp với giới trẻ bây giờ”.

Người nhạc sĩ lão thành, cuộc đời giản dị với công việc ở nhà máy, ở tòa soạn báo, đúc kết: “Anh em văn nghệ sĩ nên viết những ca khúc mà người nghe thích nghe, nếu không thì ca khúc mãi nằm trong ngăn kéo. Mình viết là để phục vụ mọi người”.

8/2019


Tác phẩm của nhạc sĩ Trương Quang Lục là kết quả của sự nghiên cứu các làn điệu dân ca miền Nam, bài hát về Bác vang lên âm hưởng miền Nam nên rất độc đáo trong kho tàng các tác phẩm viết về Bác Hồ.

Bài hát “Hoa sen Tháp Mười” được tác giả viết và hoàn thiện, nhiều lần đưa xuống Đài tiếng nói Việt Nam để chỉnh sửa. Nhạc sĩ kể: “Cuối cùng, mọi người cũng hài lòng với tác phẩm của tôi. Họ nói: Tốt rồi!”.

Từ đó đến nay, nhạc sĩ Trương Quang Lục viết nhiều tác phẩm về Bác cho người lớn và cho thiếu nhi như: “Người sống mãi với Sài Gòn ta đó”, “Ao cá Bác Hồ”, “Chúng em là bông hoa vườn Bác”, “Em đi trên quảng trường Ba Đình”, “Như sao sáng ngời”…