Chỉ Tại Con Chim Bồ Câu

Patrick Süskind là nhà văn và nhà viết kịch bản người Đức. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Mùi Hương, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng và chuyển thể thành phim. Chỉ Tại Con Chim Bồ Câu là một tiểu thuyết ngắn của Patrick Süskind, phát hành năm 1988.

Bạn đang xem: Chỉ tại con chim bồ câu

Nhân vật chính của Chỉ Tại Con Chim Bồ Câu là Jonathan Noel, một người đàn ông ngoài 50 tuổi gốc Do Thái. Khi ông còn nhỏ, cha mẹ ông biệt tích trong Thế chiến II. Thời niên thiếu, ông đi lính và bị thương do trúng đạn. Ông lấy vợ sau khi hết hạn quân ngũ, nhưng rồi lại bị vợ “cắm sừng”, bị biến thành trò cười cho cả làng. Chịu tổn thương sau những biến cố ấy, ông quyết định hạn chế giao thiệp xã hội ở mức tối thiểu, sống ẩn dật trong căn phòng mà ông thuê ở New York, không phiền ai và cũng không để ai phiền mình.

“Mỗi xu có được đều tự mình làm ra. Không khi nào thiếu nợ, không bao giờ làm phiền ai, chưa một lần đau ốm và sống nhờ vào tiền bảo hiểm xã hội. Chưa từng làm hại ai bất cứ điều gì, trong đời chưa bao giờ muốn gì khác là có và giữ được sự thảnh thơi khiêm nhường, nhỏ bé của mình.”

Trong hơn hai mươi năm chưa bao giờ di dời chỗ ở, Jonathan Noel hài lòng với cuộc sống có trật tự một cách đơn điệu. Nhưng một sáng thứ sáu nọ, ông bắt gặp một con chim bồ câu trước cửa phòng. Việc đối mặt với con vật lông lá bẩn thỉu đó khiến ông sợ hãi. Trong cơn sốc và kinh tởm, vì không muốn mắc kẹt với con chim dưới cùng một mái nhà một giây phút nào cả, ông tính đến chuyện ở trọ chỗ khác vài ngày mặc dù ông đang trả góp để mua đứt căn phòng trọ yêu quý hiện tại. Sau khi đã xoay sở để ra khỏi phòng mà không phải chạm mặt con chim, Jonathan đã gặp phải nhiều chuyện khó chịu trong ngày hôm đó, mà chủ yếu là do cái nhìn khắt khe của ông đối với thế giới bên ngoài.

*

Thay vì một cốt truyện hấp dẫn hay những “khúc cua” ngoạn mục, Chỉ Tại Con Chim Bồ Câu chỉ đơn giản là diễn biến tâm lý của một người đàn ông bị mất niềm tin vào loài người bởi những gì người khác gây ra cho ông trong quá khứ. Ban đầu mình cảm thấy nực cười khi thấy Jonathan bị ám ảnh với những thứ nhỏ nhặt một cách vô lý, nhưng sau khi suy đi nghĩ lại thì mình lại thấy có lý, bởi vì không ai có thể giải thích rõ ràng về tâm lý con người cả. Ngay cả mình cũng có những nỗi sợ mà người khác có thể cho là kỳ lạ. Có ai lại chưa từng bị ám ảnh vô cớ bởi những ý tưởng kinh dị hiện ra từ sâu thẳm tâm hồn? Đôi khi những sự kiện tầm thường đối với người khác lại gợi lên những liên tưởng khó chịu khiến chúng ta mất đi sự yên tâm.

Xem thêm: Cách Chọn Mua Sạc Pin Dự Phòng Iphone Phù Hợp, An Toàn Bạn Nên Biết

Với sự nhạy cảm và cái nhìn sâu sắc về tâm lý, tác giả đã lần theo dấu vết của một cuộc khủng hoảng hiện sinh kéo dài 24 giờ. Cuộc đời Jonathan vốn có trật tự là thế, vậy mà ông rơi vào vực thẳm khôn lường mà chú chim bồ câu đã mở ra. Sau khi gặp con chim, Jonathan gần như bị mất kiểm soát và bị choáng ngợp bởi sự hỗn loạn xung quanh, mặc dù tất cả chỉ nằm trong suy diễn của ông ta. 

Bằng giọng văn dồn dập, tác giả liên tục khai thác dòng suy tưởng của nhân vật chính. Dòng suy tưởng ấy có vẻ thái quá nhưng lại hoàn toàn phù hợp với tuýp người “suốt đời ngay thẳng và đàng hoàng, giản dị, gần như khổ hạnh, sạch sẽ, thường xuyên đúng giờ, dễ bảo, đáng tin cậy, tề chỉnh” như Jonathan. Ông sợ ông sẽ hết tiền vì ở khách sạn quá lâu, rồi sẽ uống rượu vì lo lắng, rồi sẽ bị bệnh và bị đuổi việc, rồi sẽ sống cuộc đời đầu đường xó chợ bẩn thỉu. Ông thấy những người xung quanh là dơ dáy, ngu xuẩn, vô tích sự.

Mình nể phục Jonathan ở việc ông giữ bình tĩnh rất tốt. Ông che giấu nỗi sợ một cách kỹ càng, và mặc dù căm ghét xã hội mà ông đang sống, ông không hề làm điều gì có lỗi với ai. Một điều hay ho nữa là Jonathan chưa bao giờ chối bỏ bản thân ông. Ông đã sống theo cách ông muốn mặc dù cách sống đó khác biệt với phần đông những người khác. Ông biết nỗi ám ảnh đối với con chim bồ câu và ti tỉ nỗi ám ảnh khác của ông có phần dị hợm, nhưng ông chưa bao giờ cố biến bản thân thành người khác để gạt phăng chúng đi. Chúng ta có thể nghĩ rằng ông ta là đồ chết nhát, nhưng chuyện ông ta tránh né con chim là hoàn toàn chính đáng, bởi vì đó là vấn đề sống còn của ông. Bằng chứng là ông đã nghĩ đến chuyện tự vẫn, nhưng rồi lại thôi.

Chỉ Tại Con Chim Bồ Câu là một câu chuyện kỳ lạ nhưng không hề vô lý. Ai cũng có lúc “phản ứng mạnh” khi thứ họ quý giá nhất bị ảnh hưởng. Mình tin rằng những người như Jonathan là không hề ít. Có thể suy nghĩ của họ khác với chúng ta, nhưng miễn họ không làm gì sai trái là được.