HUYỀN THOẠI TÂY DU KÝ

Nhân sự kiện Tây Du Giáng Ma 2 (tựa Việt: Tây Du Ký - Mối Tình Ngoại Truyện) vừa ra mắt, hãy cùng "luận đàm" đôi điều về tượng đài kinh điển này và những biến tấu xung quanh các tác phẩm điện ảnh.


Tây Du Ký là tác phẩm kinh điển của học giả Ngô Thừa Ân, được xem là một trong 4 tác phẩm văn học vĩ đại nhất Trung Hoa, cùng với Hồng Lâu Mộng (Tào Tuyết Cần), Thủy Hử (Thi Nại Am) và Tam Quốc Diễn Nghĩa (La Quán Trung). Tác phẩm này được xuất bản từ tận những năm 1590 (cách đây tầm 427 năm) và ban đầu được tác giả giấu tên. Vì sự đồ sộ trong nội dung tác phẩm lẫn những tầng ý nghĩa đa dạng mà đến tận bây giờ, Tây Du Ký vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim, từ sau bản chuyển thể truyền hình đầu tiên năm 1986 (đạo diễn Dương Khiết).

Bạn đang xem: Huyền thoại tây du ký


*

Từ chuẩn mực đầu tiên

Có thể nói bản phim Tây Du Ký 1986 là bản chuyển thể kinh điển nhất và được nhiều người trân quý nhất, giống như bản thân nguyên tác. Tất nhiên những nhà làm phim, đạo diễn sau này cố gắng vận dụng những đổi mới lẫn tư duy điện ảnh tân thời vào các phiên bản làm lại nhưng bản năm 1986 vẫn được cho là chuẩn mực nhất.

Bộ phim đã tạo ra một huyền thoại vĩnh cửu về hành trình thỉnh kinh của 5 thầy trò Đường Tăng, trở thành một di sản văn hóa Phương Đông và câu chuyện gối đầu giường của bao nhiêu thế hệ người lớn, trẻ em. Nó dường như là một trường thiên có sức mạnh mãnh liệt khiến bất cứ những đánh giá, so sánh về kĩ xảo, kĩ thuật điện ảnh trở thành thừa thãi dù thật sự vẫn có nhiều hạn chế. Sức ảnh hưởng của bản phim này không chỉ tại Trung Quốc, từng có một thời gian dài cứ hè đến là truyền hình nước mình lại chiếu Tây Du Ký, như một "món ăn mùa hè" không thể thiếu của bất kì trẻ em nào.


*

Cũng đã từng có không ít những nhận định cho rằng câu chuyện về 5 thầy trò Đường Tăng cũng giống như những mẩu chuyện nhẹ nhàng xung quanh nhóm bạn Nobita và Doraemon của Nhật Bản, vừa hấp dẫn mà lại mang nhiều tính giáo dục cho trẻ nhỏ. Dần dà điều này không còn là một ý kiến mà gần như trở thành một nhận định mang tính đại chúng, rằng Tây Du Ký là một tác phẩm dành cho trẻ em.

Đến những đổi mới tạo nên tranh cãi

Vào năm 2013, Lục Tiểu Linh Đồng (thủ vai Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký 1986) từng trả lời phỏng vấn với trang Sina đại ý rằng những sản phẩm liên quan đến tiểu thuyết Tây Du Ký nên tôn trọng tinh thần nguyên tác, đừng làm méo mó nội dung. Tuy không trực tiếp ám chỉ nhưng câu trả lời của Lục Tiểu Linh Đồng lúc đó, khi được hỏi về phim Tây Du Giáng Ma Thiên (Tây Du Ký - Mối Tình Ngoại Truyện) do Châu Tinh Trì đạo diễn, khiến người đọc dễ dàng hiểu được Lục Gia không thích tác phẩm cải biên này.


*

Lục Tiểu Linh Đồng, sinh năm 1959, "Hầu Ca bất tử" của bao thế hệ


Ông còn từng nói rằng rất ái ngại khi những đứa trẻ hỏi ông rằng "Tôn Ngộ Không có bao nhiêu bạn gái?". Ông cho rằng điều này làm mình đau lòng và cảm giác nguyên tác bị xuyên tạc quá đà. Sự việc này cũng từng tạo ra một làn sóng với nhiều luồng ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng Châu Tinh Trì đang đẩy tính chân-thiện-mỹ của nguyên tác đi quá xa. Dù mối tình buồn của Đường Tăng và Đoàn Tiểu Thư trong Tây Du Giáng Ma Thiên lấy được cảm tình của một đại bộ phận nhưng cũng không ít người chê bai tạo hình hung tợn của Tôn Ngộ Không trong bản phim này. Năm nay, phần 2 của bộ phim vừa ra mắt lại tiếp tục tạo ra làn sóng chia rẽ về vấn đề này. Bộ phim lần này (đạo diễn Từ Khắc) cũng bị bảo rằng kém hay hơn phần 1 và bôi bác hình ảnh Đường Tăng quá đà.


*

"Mối tình ngoại truyện" của Văn Chương và Thư Kỳ gây sốt năm 2013


Châu Tinh Trì có phải là tội đồ duy nhất?

Thật ra, Tây Du Giáng Ma Thiên không phải bộ phim đầu tiên "biến hóa" nội dung Tây Du Ký. Trước đó Châu Tinh Trì đã từng đảm nhận vai Chí Tôn Bảo - hậu thân của Tôn Ngộ Không - trong hai phần phim Đại Thoại Tây Du của đạo diễn Lưu Trấn Vỹ.

Đại Thoại Tây Du không hẳn là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân mà chỉ là lấy cảm hứng. Giống như Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ là một tổ khúc lạ kì về tình và đời của các đại hiệp trong truyện Kim Dung, Đại Thoại Tây Du tập trung chủ yếu vào nhân vật Chí Tôn Bảo và các mối quan hệ bằng hữu, trong đó có cuộc tình đầy xúc động với Tử Hà Tiên Tử (Chu Ân) trong phần Tiên Lí kì Duyên. Hai phần phim này khi ra mắt (1995) đều được công chúng và giới phê bình đón nhận tích cực. Cũng có ý kiến cho rằng đây là tác phẩm Tây Du Ký cải biên hay nhất.


*

Gần hơn là hai phần Tây Du Ký điện ảnh của đạo diễn Trương Bảo Thụy: Đại Náo Thiên Cung (2014) và Tôn Ngộ Không Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh (2016) với sự tham gia của loạt sao lớn Chung Tử Đơn, Quách Phú Thành, Châu Nhuận Phát, Hà Nhuận Đông, Phùng Thiệu Phong, Củng Lợi. 2 tập phim này dựa trên cốt truyện Tây Du Ký trong nguyên tác nhưng vẫn có nhiều thay đổi trong chi tiết. Chẳng hạn như việc xây dựng lại câu chuyện của Bạch Cốt Tinh (Củng Lợi) hay xoáy vào tranh đấu chốn thiên đình. Thậm chí quan hệ tình cảm "một kiếp không về ta đợi một kiếp, mười kiếp chưa về ta đợi mười kiếp" của Ngộ Không - Đường Tăng trong phần 2 cũng khiến nhiều người xem cho rằng "hơi lố".


Quách Phú Thành (trái) trong vai Tôn Ngộ Không và Phùng Thiệu Phong (phải) vai Đường Tam Tạng, bản điện ảnh 2016


Xa hơn nữa, năm 2002, Trương Vệ Kiện từng góp vốn cho phiên bản truyền hình Tề Thiên Đại Thánh (tên gốc Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không) của đài TVB. Hàng loạt ngôi sao điện ảnh đã xuất hiện trong phim như nhóm Twins, Tạ Đình Phong, Lâm Chí Dĩnh, Dương Cung Như cùng với nội dung được biến tấu tưng bừng cũng từng gây ra xôn xao. Trong bản phim này, trước khi trở thành đệ tử Đường Tăng, Ngộ Không từng yêu Bạch Cốt Tinh và có mối duyên tam kiếp với Tử Lan Tiên Tử - một loài hoa sinh trưởng cùng Thạch Hầu.

Các mốc thời gian và nhân vật vốn được xem là quy chuẩn của thần thoại Trung Hoa cũng "loạn phách loạn nhịp" trong Tề Thiên Đại Thánh. Tiêu biểu như việc thầy trò Đường Tăng phải chiến đấu với robot vũ trụ hay Natra sinh ra cùng thời với Ngộ Không, trở thành bộ đôi bằng hữu "siêu cấp", v.v… Đây được xem là bản Tây Du Ký gây ngạc nhiên nhất với khán giả truyền hình, đặc biệt là phản ứng không tốt của phụ huynh khi đó. Nhưng với những người từng nhàm chán với cái "chuẩn mực" của Tây Du Ký suốt nhiều năm thì bộ phim này khá thú vị và giải trí.

Xem thêm: Hướng Dẫn Cách Gấp Thiên Nga Phòng Cưới


Tiếp tục là TVB, hai phần phim truyền hình năm 1996 và 1998 dù được thực hiện theo phong cách nghiêm túc, không xuyên tạc, không châm biếm nhưng vẫn có ý kiến cho rằng "chế tác" quá nhiều. Nếu Tây Du Ký 1986 phân định rõ ràng ranh giới thiện ác giữa tiên phật - con người - yêu quái thì phiên bản TVB "mềm mỏng hóa" ranh giới này khá nhiều. Câu chuyện tình lay động lòng người của Thi Thi - Rết Tinh hay mối tình đơn phương của Ân Ân dành cho Ngộ Không đã thổi một luồng sinh khí rất tươi mới vào hồi Động Bàn Tơ. Hay việc xây dựng thành công những Thạch Hầu khác như Lục Nhĩ Mỹ Hầu, Thông Tý Diên Hầu để trở thành đối thủ xứng tầm Ngộ Không cũng được khán giả yêu thích. Dù mãi mãi phiên bản này cũng không được xếp ngang hàng với bản năm 1986 nhưng nó phần nào vẫn được công nhận là một bản chuyển thể đắt giá, có đầu tư và mới lạ.


Trở lại với sự "sáng tạo" phá vỡ gần như tất cả ranh giới trong nguyên tác của Châu Tình Trì với hai phần Tây Du Giáng Ma Thiên. Nói về kiểm duyệt, Trung Quốc thuộc hàng "khó qua ải" nhất nhì thế giới. Thế tại sao hai phần phim bị cho là "xuyên tạc nhân vật Đường Huyền Trang" vẫn được phát hành trót lọt? Chỉ một câu: họ Châu quá khéo.

Rõ ràng trong Tây Du Giáng Ma, Đường Tăng vẫn là một nhà sư sùng đạo, tốt với mọi người cùng sứ mạng thỉnh Tây kinh và đám đệ tử vẫn là khỉ, heo, thủy quái mang đầy tội lỗi. Những chi tiết khiến Đường Tăng trở nên "sân si" hay "ma mãnh" thực chất cũng chỉ do khán giả tự nhận thấy, bởi nó được lồng quá khéo vào những chi tiết hợp thời, tưởng phô nhưng lại khá tinh tế.


Bạn cho rằng Đường Tăng dùng roi da quất Ngộ Không là độc ác? Chẳng phải trong nguyên tác Ngộ Không vẫn bị niệm chú kim cô của Đường Tăng đến mất hết sức lực sao? Thậm chí cả việc Đường Tăng động lòng phàm, ôm mang cả đời mối tình dành cho một cô gái cũng vậy. Đến cuối cùng thì Đường Tăng vẫn đến Tây Trúc chứ có bỏ nhiệm vụ để xây mái ấm với người đẹp đâu!? Những chi tiết, tình huống thêm vào một cách trào lộng, ồn ào, tưởng như xuyên tạc nhưng thực chất cũng chỉ là để dễ dàng tạo sự đồng cảm nơi khán giả, hay phô trương hóa sự châm biếm vốn có sẵn trong nguyên tác thêm một chút.

Vậy rốt cục Tây Du Ký có thực dành cho trẻ em?

Có mà lại không. Trẻ em muôn đời vẫn yêu thích những trận đánh kinh thiên động địa, trừ yêu diệt ma. Người lớn qua đó sẽ dạy cho các em biết rằng thế nào là đúng - sai, thiện - ác. Tây Du Ký chính là tác phẩm mãi mãi không lỗi thời mang tính giáo dục và giải trí song hành. Nhưng không vì thế mà quy chụp nó chỉ dành cho trẻ em rồi mặc định rằng phim được chuyển thể từ Tây Du Ký là để phục vụ con nít.


Manga Dragon Ball (Akira Toriyama) cũng được lấy cảm hứng từ Tây Du Ký


Bản thân nguyên tác của Ngô Thừa Ân không đơn giản là câu chuyện trừ ma thỉnh kinh của nhóm thầy trò. Rất nhiều những học giả, nhà phê bình đã cho rằng dựa trên câu chuyện có thật của Đường Huyền Trang đến Ấn Độ lấy kinh, Tây Du Ký đã vẽ ra một thế giới đa chiều về tâm của con người, các đức tính tu niệm trong Phật Giáo cũng như sự suy yếu của chính quyền Trung Hoa thời bấy giờ.

Trẻ em khi xem Tây Du Ký chỉ thấy thích Ngộ Không dũng cảm, đa mưu; cười chê Bát Giới ham ăn mê gái hay Sa Tăng không biết phản kháng; thậm chí là bực tức vì sự cứng đầu và nhu nhược của Đường Tăng. Nhưng với những người lớn, mỗi nhân vật lại trở thành một đức tính mà bất cứ ai cũng sở hữu. Những chi tiết về việc ngoại giao, quan hệ, hành xử, đền trả cũng được ẩn dụ rất tài tình qua các câu chuyện mang tính thần thoại.


5 nhân vật biểu trưng cho "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" cần có ở mỗi người


Thậm chí chi tiết hai đệ tử ở Tây Thiên (A Nan và Ca Diếp) đòi Đường Tăng phải dâng bát vàng mà vua Đường đã tặng mới truyền kinh thư cũng gây tranh cãi một thời. Có người cho rằng chi tiết này châm biếm việc hối lộ nơi cửa Phật nhưng về khía cạnh tu hành, nó chỉ là một chi tiết nói về sự đánh đổi giàu sang để trở thành người xuất gia nghèo khó, để lại bát vàng cao quý để đổi lấy sự phổ độ chúng sinh. Thế đấy, sự đa chiều về góc nhìn trong nguyên tác còn gây tranh cãi thì nói chi đến những phiên bản chuyển thế!?

Chưa kể Ngô Thừa Ân đã mất cách đây quá lâu, Tây Du Ký đã trở thành một di sản văn hóa mang tính đại chúng nên chẳng còn ai có quyền thay thế ông để khẳng định thế nào là đúng-sai về mặt ý nghĩa. Đây cũng là lý do khiến hàng loạt phiên bản Tây Du Ký được cải biên nhưng vẫn không có một quy định pháp lý nào có thể phán xét thế nào là quá lố. Ranh giới của nghệ thuật là không có.


Tây Du Ký - Đại Náo Thiên Cung từng khiến khán giả bất ngờ với cách xây dựng nhân vật Nhị Lang Thần


Nhưng, cũng không thể áp đặt vào tất cả. Cả hai phần Tây Du Giáng Ma đều được gắn nhãn PG-13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) ở nước ngoài nhưng hiện tại phần 2 của bộ phim lại được xếp vào phân loại P (phổ biến mọi đối tượng) ở Việt Nam. Sự khác biệt này chính là câu hỏi: "Tây Du Ký là phim dành cho trẻ em bất chấp mọi phiên bản?". Cái này thì không. Những biến tấu trong một số phiên bản Tây Du Ký tuyệt đối không dành cho trẻ em. Chẳng hạn như Tây Du Giáng Ma 2, có những chi tiết ngụ ý, ẩn dụ mà chắc chắn trẻ em chưa hiểu được và nó sẽ có thể khiến nhận thức bị lái theo hướng xấu nếu không kiểm soát đúng đắn.

Việc các nhà làm phim cứ chọn Tây Du Ký làm đề tài thì có thể hiểu được, vì nó giống như một kho tàng vô giá của Trung Quốc. Sáng tạo, cải biên để chinh phục nhiều khán giả mới, hợp thời là chuyện nên làm và cổ vũ. Nhưng sáng tạo đến đâu, đến mức nào để không bị cho là xuyên tạc thái quá cũng cần phải xem xét. Về cơ bản, Tây Du Giáng Ma 2 không đến nỗi phải bị lên án vì "phá hoại" nguyên tác nhưng rõ ràng nội dung phần 2 này kém duyên hơn phần 1 rất nhiều, chưa đủ để biến những sự châm biến thành cái sâu cay như phần 1 Châu Tinh Trì đã làm được. Vấn đề đáng bàn hơn lại đang ở nước ta, khi mà bộ phim này được cho rằng phù hợp với tất cả trẻ em.