Xuân Mừng Xuân Thắm Tươi

Bình Bán Vắn là một trong những bài nhỏ thuộc hơi Bắc trong Ca nhạc Tài tử miền Nam. Cũng như các bài Lưu Thủy đoản hay Kim Tiền, bài Bình Bán Vắn xuất xứ từ Ca nhạc Huế. Làn điệu này đã theo chân những lưu dân miền Trung vào miền Nam từ thế kỷ 17 đến 19. Ở Huế và miền Trung, bài này có tên là Bình Bán Hạ để phân biệt với bài Bình Bán (cũng được gọi là Bình Bản hay Bình Nguyên) trong mười bài Ngự nhạc. Tên nguyên thủy Bình Bản có nghĩa là bản nhạc với âm điệu bình hòa, thanh nhã.

Bạn đang xem: Xuân mừng xuân thắm tươi

Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, bài Bình Bán Hạ là bài ca phổ biến trong mọi giới ở Huế và miền Trung. Từ năm 1914 đến năm 1924, bài này cũng như các bài ca truyền thống Việt đã được đưa vào chương trình “Ca Xướng” trong các trường Sơ Học Yếu Lược bản xứ và các trường Pháp-Việt theo các nghị định trong chương trình học vụ Đông Pháp.

Điểm qua các bài ca trong sách giáo khoa ca xướng thời đó ở Huế, như Sách Dạy Hát Tiếng Nam của thầy Nguyễn Trung Phán (Trường Đông Ba) và thầy Nguyễn Trung Nghệ (Trường Quốc Học) (Ấn bản thứ 2, in năm 1929), ta thấy chương trình học bao gồm những bài dân ca, Ca Huế và nhạc lễ miền Trung. Các bài ca đều được hai thầy soạn lời mới với nội dung dựa theo những bài quốc văn, lịch sử Việt, hay luân lý trong chương trình học. Trong Sách Dạy Hát Tiếng Nam, bài Bình Bán Hạ có lời mới với ý nghĩa khuyến học như sau:

1- Ơi! Người niên thiếu ơi!2- Chăm lo học, chớ khá ham chơi,3- Đã làm trai, đứng trong cõi đời4- Nợ nước non gánh vác hai vai,5- Mong sao vận mệnh tương lai,6- Để ra tay cứu đời giúp nước,7- Đương thời nay, thế giới cạnh tranh,8- Hợp nhơn quần, xông cuộc đua chen,9- Ngày đêm cố công học hành,10- Đặng mở mang trí não anh linh,11- Dắt nhau tới bước văn minh,12- Người khôn ngoan, nước đặng vẻ vang,13- Rồi ra chen vai liệt cường!14- Anh em ta hai mươi lăm triệu,15- Nên lo liệu giữ gìn nòi giống,16- Vun trồng vườn hoa nở nhụy sinh bông,17- Lạc Hồng! Giống Lạc Hồng!18- Bốn mươi đời, xiết kể lao lung,19- Máu mủ chung, phải biết thương chung,20- Thiếu niên, thiếu niên dốc lòng,21- Nghĩa vụ công chia nhau gánh nặng,22- Nâng đỡ non sông, rạng vẻ Tiên Long

Soạn lời ca mới cho các làn điệu cũ là việc làm phổ biến trong nhiều truyền thống nhạc Việt. Qua đó, làn điệu cũ chuyên chở những nội dung mới thích hợp hơn với từng hoàn cảnh mới. Nhờ vậy, làn điệu cũ được “tái sinh” nhiều lần qua các thời đại và in sâu vào tâm thức của các thế hệ dân Việt. Nét nhạc của làn điệu cũng uyển chuyển thay đổi với những chữ luyến theo cách phát âm của lời mới trong các nhịp yếu. Ngoài các cao độ ở các phách mạnh và cuối câu luôn được tôn trọng và giữ nguyên, cao độ của những phách yếu có thể uyển chuyển thay đổi hay thêm bớt một cách linh động theo lời ca mới.

Trong sách Ca Xướng Miền Nam (1974) do thầy Phạm Văn Nghi và cô Hồ Thị Bửu soạn và sử dụng trong các lớp ca cổ ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, bài Bình Bán Vắn có lời ca mới “Xuân Về Hoa Nở” như sau:

1- Xuân mừng xuân tốt tươi2- Trắng đỏ vàng hoa nở khắp nơi3- Nồng hơi hương sắc xinh khoe màu4- Hoa đào càng tươi, mùi lý kém chi5- Đó khóm mai, nầy cúc đơm bông6- Gió phất phơ đưa hường lay động7- Nhành liễu buông mành tha thướt8- Lan, hải đường cùng lài đua xinh9- Bầy ong chen với bướm nhộn nhàng …10- …lần cành vẩn vơ khắp trên muôn hoa11- Én lướt bay cùng liệng khắp nơi12- Đàn chim hót trên cành líu lo13- Đờn nhặt khoan đưa hơi thâm trầm14- Cống líu xê cống xê xang xự15- Xanh da trời một màu nước biếc,16- Bầu phong quang đầy vẻ thắm tươi17-Mừng xuân ta đồng mừng xuân18- Xuân miên trường đời đời mừng xuân19- Đầy tương lai hạnh phúc vẻ vang20- Với đất nước xuân mãi không dừng21- Dành tài ba quyết tâm vun bồi22- Sơn hà Việt Nam ngàn thuở xứng danh.


Vào miền Nam, Bình Bán Hạ được gọi là Bình Bán Vắn (“Vắn” ở đây có nghĩa là “ngắn”), và sau đó được các nghệ nhân trong truyền thống Ca Nhạc Tài Tử phát triển thành bài Bình Bán Chấn (“Chấn” ở đây có nghĩa là “chấn hưng”, “chấn chỉnh”). Bình Bán Chấn là một trong sáu bài Bắc của 20 bản tổ trong Nhạc Tài Tử. 22 câu nhạc của bài Bình Bán Hạ và Bình Bán Vắn với 2 ô nhịp mỗi câu được phát triển thành 44 câu với 8 ô nhịp mỗi câu của bài Bình Bán Chấn. Từ một bài nhạc ngắn nguyên thủy, giai điệu này đã được phát triển thành một tác phẩm “lớn” của truyền thống Nhạc Tài Tử miền Nam.

Một điều thú vị là giai điệu của bài Bình Bán Vắn không chỉ được lưu truyền trong nhạc truyền thống Việt, mà còn được sử dụng làm nét nhạc chính của một số tác phẩm soạn cho nhạc khí và dàn nhạc Tây phương. Trong tổ khúc giao hưởng “Nguyên Đán : Fêtes du Têt” của bà Thái Thị Lang (nghệ danh Louise Nguyễn Văn Tỵ) soạn cho piano và dàn nhạc giao hưởng năm 1952, hai câu đầu của bài Bình Bán Vắn xuất hiện như nhạc đề chính của chương I và IV của tác phẩm này. Tác phẩm này được dàn nhạc Concerts Lamoureux do nhạc trưởng Jean Martinon chỉ huy công diễn tại Paris năm 1953. Trong buổi diễn này, chính bà Thái Thị Lang giữ phần độc tấu piano cho tác phẩm của bà. Trên báo Le Monde ngày 22 tháng Giêng năm 1953, nhà phê bình âm nhạc René Dumesnile đã nhận xét đây là một tác phẩm đầy sáng tạo (nguyên văn “une originalité du meilleur aloi”). Năm 1955, bà Lang đã ghi âm tác phẩm này cùng với dàn nhạc Concerts Lamoureux do nhạc trưởng Henri Tomasi chỉ huy trong đĩa A 77 402 L do hãng đĩa Philips phát hành. Dàn nhạc Concerts Lamoureux là một dàn nhạc danh tiếng ở Paris và có vai trò quan trong trong sinh hoạt âm nhạc Pháp. Dàn nhạc này từng công diễn lần đầu các tác phẩm cùa nhiều nhà soạn nhạc lừng danh như: España (1883) của Emmanuel Chabrier, Pavane (1888) của Gabriel Fauré, Nocturnes (1900 and 1901) và La mer (1905) của Claude Debussy, hay Menuet antique (1930) và Piano Concerto in G major (1932) của Maurice Ravel. Tổng phổ của bài “Nguyên Đán : Fêtes du Têt” cũng được nhà xuất bản lớn là Henry Lemoine ấn hành năm 1952. Henry Lemoine là nhà xuất bản của những tên tuổi lớn như Chopin, Berlioz, Donizetti, Piazzolla, Gounod, Messiaen và Franck.

Xem thêm: Làm B1 Ngâm Mật Ong Cải Thiện Chứng Biếng Ăn Ở Trẻ Nhỏ, Tác Dụng Của B1 Ngâm Mật Ong


Một tác phẩm soạn cho giàn nhạc giao hưởng khác cũng đã khai thác làn điệu Bình Bán Vắn là Symphony Vietnam 1975 (2015) của ông Lê Văn Khoa. Trong tác phẩm này, giai điệu của Bình Bán Vắn được thể hiện trong Chương I (Introduction), đưa người nghe vào không gian âm nhạc quen thuộc của giai điệu Việt.

Hành trình lưu truyền và phát triển của giai điệu Bình Bán Vắn cho ta thấy rằng một làn điệu cổ truyền đơn giản lại ẩn chứa một nguồn sống âm nhạc vô tận. Nếu biết trân quý, giữ gìn và khai thác những hạt giống này, chúng ta có thể có những ruộng hoa với hương thơm lan xa đến những chân trời cao rộng toàn cầu.

Lê Tuấn Hùng (11/2020)

Tài Liệu Tham Khảo:

Dumesnile, René (1953). “La Fête du Têt“, Le Monde, 22 tháng Giêng.

Dumesnile, René (1955). “Lalor, Louise Nguyen Van Ty, David Oïstrakh, Choeurs Religieux“. Le Monde, 16 tháng Tư.

Nguyễn Trung Phán và Nguyễn Trung Nghệ (1929). Sách Dạy Hát Tiếng Nam. Huế : Tiếng Dân,1929.